TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG LỄ HỘI MÙA XUÂN TRÊN VÙNG KINH ĐÔ VĂN LANG XƯA

Việt Trì – Vùng kinh đô Văn Lang xưa là địa bàn đậm đặc các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn nguồn cội của vùng quê Đất Tổ. Đó là hệ thống các di tích kiến trúc tôn giáo phong phú mà chiếm hơn một nửa là di tích thờ tự vua Hùng và các tướng lĩnh nhà Hùng. Nhiều di tích có giá trị cao như đình Lâu Thượng, đình Bảo Đà, đình Hùng Lô, đình An Thái, đình Hương Trầm… gắn với các loại hình di tích là các loại hình lễ hội đặc sắc và phong phú với các trò chơi dân gian hấp dẫn như đấu vật, chơi đu tiên, đánh lốc, cướp phết, đi cầu đốt pháo, đánh cờ, kéo co, chọi gà…

Trò chơi dân gian đại đa số là các trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, ý thức rèn luyện thể lực và trí tuệ của nhân dân. Đồng thời đó còn là một trong những yếu tố gắn kết cộng đồng nhân dân trong làng xã.

Đấu vật là một trò chơi thượng võ, cũng là môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp tết và hội làng. Trên vùng đất kinh đô Văn Lang xưa có những hội vật nổi tiếng như: hội vật ở làng Lang Đài, phường Bạch Hạc, hội vật ở miếu Đức Ông, xã Phượng Lâu. Tục xưa thường trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác. Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Trong môn vật không đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn đóng góp đáng kể.

Ở đền Lang Đài, phường Bạch Hạc trò đấu vật được tổ chức tại làng nhưng cũng có các làng khác sang đấu, có cả vật thờ và vật giải, đô vật là người trong làng vào ngày lễ tham gia cho vui. Tại làng không có lò luyện mà phải xuống Thổ Tang để học. Trước khi đấu vật, các đội vào làm lễ trong đình. Trong khi đấu vật, người ta cho ngựa chạy quanh sân để dẹp đài. Trang phục là đóng khố, thắt lưng xanh, đỏ. Thi đấu xong, đội nào thắng sẽ được thưởng tiền rồi mang vào đình cung tiến.

Hội vật ở thôn Phượng An xã An Thái được tổ chức tại miếu vật (miếu Đức Ông), xã Phượng Lâu vào ngày mùng 10 tháng giêng. Hội vật Phượng An được tổ chức với những tục lệ riêng. Sau khi chủ tế làm lễ xong, hai cặp đô vật người địa phương được chọn trước bắt đầu vật trình thánh trước miếu thờ. Chỉ sau những cuộc vật nghi lễ này mới tới cuộc vật giải cho các đô vật của thiên hạ đến trổ tài. Sau đó các nam thanh niên có sức khoẻ vào xới vật. Các đô vật đóng khố, cởi trần. Ông tổng chỉ huy cầm cờ chạy xung quanh hô: “Trai trong làng, trai hàng tổng, ai có tài vào đánh vật, ai có tài vào vuốt giải”. Người nào vào đầu tiên phải vật hai keo, người vào sau vật một keo. Trong khi chơi trống liên hồi giục giã. Ai thắng cuộc được làng treo giải.  

Tại đình Dữu Lâu, phường Dữu Lâu lại tổ chức trò chơi đánh phết, gọi là  đánh lốc, chơi với cả hai quả lốc. Trước khi vào đám, ông từ cử hành nghi thức tắm lốc tại đình làng. Ngoài hương hoa, lễ vật trên bàn thờ có đặt năm quả lốc nhỏ được sơn son thiếp vàng, bên mỗi quả đặt một cái que nhỏ tượng trưng cho gậy phết. Người chơi đều là những trai tráng chia làm hai phe, mỗi phe cử một người đại diện bưng lên một chiếc mâm sơn son, trên đặt bát rượu. Ông tưới rượu đó lên hai quả lốc rồi tung ra cho các phe lao vào cướp. Trong tiếng trống chiêng vang động, tiếng hò reo náo nhiệt, các chàng trai đều cố sức chen lấn nhằm cướp bằng được quả lốc, hy vọng năm mới sẽ may mắn thịnh vượng. Trò chơi kết thúc khi hai chàng trai khoẻ mạnh và dũng cảm nhất giơ cao hai quả lốc trong tiếng reo mừng của dân làng.

Sau phần cướp lốc bằng tay là trò đánh lốc bằng gậy. Trò cướp lốc phải có 6 người chơi, trong đó một người giữ lỗ cái ở giữa, người giữ các lỗ con xung quanh. Mỗi người cầm một gậy tre dài có hình khoăm ở đầu trọc vào giữa lỗ của mình, còn lại một người có nhiệm vụ đi lùa lốc về lỗ cái. Khi trọng tài tung quả lốc ra, người lùa lốc ra sức đánh quả lốc về hố cái. Những người giữ lỗ con xung quanh có nhiệm vụ hất quả lốc ra không cho lốc rơi vào lỗ cái và cũng không được để cho người lùa lốc thọc được gậy vào lỗ của mình. Nếu ai bị chọc gậy vào lỗ sẽ phải thay thế người đi lùa lốc. Cuộc chơi chỉ kết thúc khi quả lốc lọt vào lỗ cái, một bàn lốc mới lại bắt đầu.

Trò chơi đu tiên hay đu bay tổ chức chủ yếu dành cho nam nữ thanh niên trong dịp hội làng. Lễ hội đình làng Minh Phương và làng Cẩm Đội trò chơi này được tổ chức hàng năm thu hút nhiều thanh niên trai gái của làng cũng như các làng khác tham gia rất đông. Cây đu được làm bằng cách trồng các cọc tre, hai bên chôn bốn cọc tre, mỗi bên hai cọc bắt chéo nhau, trên các đầu tre đóng then ngang. Trên thanh then ngang có đục hai lỗ và có chốt để treo hai cây đu, hai cây đu làm bằng tre nhỏ vừa tay cầm. Phía dưới hai cây đu có tấm ván hoặc thanh tre then ngang để làm bàn đạp. Lên đu có thể có một hoặc hai người là thanh niên (có thể là một đôi nam nữ hoặc đôi nam). Càng nhún mạnh đu càng lên cao, cần đu đưa vun vút, bên nọ sang bên kia. Cần đu lên ngang với ngọn đu là hay nhất, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Đánh đu cũng là một sinh hoạt giao lưu tình cảm giữa nam và nữ.

Trò cướp cờ (hay gọi là chạy địch) là trò chơi diễn ra vào ngày 4 tháng giêng âm lịch tại hai xã Chu Hoá và Hy Cương. Trai làng ai cũng có thể dự thi không hạn chế lượng và có thể chạy nhiều lượt. Đường chạy khoảng 300m, đích cắm một lá cờ. Những người dự thi đều mình trần, đóng khố, dàn hàng ngang. Tiếng pháo cất lên giòn giã là hiệu lệnh xuất phát. Ai cướp được cờ về cắm ở đình là được giải.

Ở Bạch Hạc có trò cướp còn diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng. Mỗi năm dân làng cử một người may một bộ còn để tung cho dân làng cướp trong ngày hội. Quả còn ở đây chia thành một bộ 9 quả còn lớn (cầu mẹ) và 9 quả còn con. Chất liệu làm giống như quả còn, trong ruột là bông hoặc vải vụn bên ngoài bọc vải ngũ sắc và gắn thêm dải đuôi màu. Một sợi chỉ được đính vào quả còn, một đầu chỉ buộc vào cành tre. Mỗi quả có dải buông thõng được làm bằng vài lụa màu. Sáng mùng 3 tết dân làng tới nhà vị hương chức được chỉ định may còn để rước bộ còn ra đình. Cứ ba quả còn được buộc vào một cành tre. Chín quả còn bày trên long đình do bốn thanh niên khiêng. Rước ra đình, cả bộ còn được đặt lên bàn thờ thay cho bộ cầu năm trước sau đó tế cầu. Sau khi đọc xong 3 bài chúc vị tiên chỉ hoặc niên trưởng tháo 3 quả cầu tre ra buộc lại với nhau rồi tung cho mọi người cướp. Dân làng không chia thành các phe mà tất cả mọi người xông vào cướp. Trong cuộc chơi không có giải nhưng ai cũng tin cướp được còn thì năm đó gặp nhiều may mắn. Cướp được còn dù là một quả hay bộ ba quả có thể đem về nhà hoặc để thờ ở đình.

Trò chơi kéo co ở mỗi nơi có những lối chơi khác nhau nhưng bao giờ số người chơi cũng chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình. Có khi cả hai bên cùng là nam, có khi một bên nam, một bên nữ. Trong trường hợp bên nam, bên nữ thì dân làng thường chọn những người chưa có vợ, có chồng. Dùng một dây thừng buộc dài hay dây song, dây tre hoặc cây tre, dài khoảng 20m căng đều ra hai phía, giữa sân đặt một cột trụ, hai bên xúm nhau nắm lấy dây để kéo. Một vị chức sắc hay bô lão cầm trịch ra hiệu lệnh. Hai bên ra sức kéo sao cho cột trụ kéo về phía bên mình là thắng. Bên ngoài dân làng cổ vũ hai bên bằng tiếng dô ta, cố lên. Kéo co thường kéo 3 keo, bên nào thắng liền hai keo là bên ấy được.

Đi cầu đốt pháo: là trò chơi được tổ chức ở đình làng Minh Phương, đình làng Minh Nông và đình Cẩm Đội – Thụy Vân thành phố Việt Trì. Đây là trò chơi rất khó, đòi hỏi sự khéo léo, tài tình của người chơi. Trước khi tiến hành phải chuẩn bị một cây tre khá thẳng, một đầu được ghim chặt bằng hai cọc tre đóng chéo nhau trên bờ ao, một đầu cây tre được buộc dây, dây được treo trên đầu hai cây tre đóng giữa ao, buộc hai ngọn chéo nhau. Bên cạnh dây treo cây tre nằm ngang bắt từ đầu bờ lại có một dây khác treo bánh pháo. Người chơi bắt đầu xuất phát từ bờ đi trên cây tre ra giữa ao, vừa giữ được thăng bằng vừa phải cầm que hương châm đốt được bánh pháo cho nổ. Nếu ai không giữ được thăng bằng thì sẽ bị ngã xuống nước và bị thua. Ngoài ra ở thôn Cẩm Đội trò chơi này cũng có khi được tổ chức trên cạn. Hình thức chơi cũng giống hệt như khi chơi ở dưới nước.

Trong các hình thức sinh hoạt văn hóa của người Phú Thọ nói chung, người dân vùng kinh đô Văn Lang nói riêng thì chơi cờ là loại hình không thể thiếu. Có nhiều loại cờ: Cờ tướng, cờ người, cờ bỏi, cờ vua…

Cờ tướng là chơi trên bàn cờ. Ba mươi hai quân cờ bằng gỗ, sừng hay ngà tiện tròn, đường kính 2cm, dày 1cm. Chơi cờ người luật lệ giống với cờ tướng. Nhưng 32 quân cờ là người thật và bàn cờ thường là sân đất rộng như sân đình, sân chùa, đủ đường đi nước bước cho 32 người. Cuộc đấu cờ người được chuẩn bị trước đó hàng tháng. Đầu tiên là việc tìm tuyển người. Những người được chọn làm quân cờ phải là trai gái thanh lịch, con cái của những gia đình có nề nếp, được dân làng quý trọng, Số lượng cần thiết phải là 16 nữ, 16 nam. Trong số này phải chọn ra hai tướng: một nam, một nữ tướng Ông, tướng Bà. Ngoài ra không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ (Trọng tài) trực tiếp giúp ban giám khảo theo dõi cuộc đấu. Ba người này: Tổng cờ và hai tướng là thuộc loại gia đình khá giả, phong lưu có thể khao quân khi cần thiết. Chọn xong tổ cờ họp hai đội nam, nữ thông báo về trang phục, dặn dò về phong thái trong lúc làm nhiệm vụ quân cờ. Quần áo mỗi người tự sắm, song phải thống nhất trong từng phe (quân đen, quân đỏ) khi ra sân bãi, bàn cờ được tạo ra màu sắc rực rỡ nhiều màu.

Cờ bỏi cũng là một hình thức đánh cờ tướng nhưng quân cờ là những thẻ gỗ sơn son thếp vàng, có cán dài chừng 1m, tên quân cờ được viết ở hai mặt, cắm vào các ô đã định sẵn trên sân. Người đánh phải tự nhấc quân cờ để đI, trước khi đi quân, phải có hiệu lệnh bằng trống bỏi. Từng đôi một vào thi đấu ở sân cờ. Đây là một bàn cờ lớn mà nhiều người có thể xem được dễ dàng.

Chọi gà còn có tên gọi là đá gà. Chọi gà trước kia thường tổ chức trong ngày hội làng. Ngày nay chọi gà còn là thú vui thông thường của nhiều người không chỉ ở đô thị mà nông thôn cũng có. Trước cách mạng tháng tám nhiều trường gà thiết lập ở khắp nơi thu hút nhiều người tham gia. Để có được con gà chọi hay đòi hỏi người chơi phải có công phu và kinh nghiệm, từ việc chọn giống gà, gây giống, xem tướng gà, nuôi dưỡng và luyện tập. Chọi gà là thú vị dân gian có sức thu hút đông đảo quần chúng rất nhanh. Chọi gà vừa mang tính giải trí vừa là một hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng đã tồn tại trong các hội làng xưa.

Bắt vịt dưới ao là trò chơi được tổ chức ở nhiều làng quê trên đất Phú Thọ. Ở Việt Trì trò chơi này hiện có ở hai xã Hy Cương và  Hùng Lô. Trước tiên chọn một ao sâu, bờ cao hoặc dùng lưới hay que tre quây xung quanh. Người chơi thường từ 2 đến 4 người tùy theo diện tích của ao rộng hay hẹp.  Người ta thả xuống ao hai con vịt to khỏe và lần lượt 2 hoặc 4 người xuống bắt. Trò chơi không yêu cầu người chơi bịt mắt nhưng đòi hỏi người chơi phải nhanh nhẹn và bơi giỏi.

Có thể nói các trò chơi dân gian trong ngày hội Xuân trên vùng đất kinh đô Văn Lang khá đa dạng góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian của vùng đất Tổ. Các trò chơi dân gian đã phản ánh tinh thần thượng võ, ý thức rèn luyện thể thao vừa làm cho lễ hội làng thêm phần hấp dẫn vừa tăng sức dẻo dai góp phần xây dựng và bảo vệ xóm làng, bảo vệ tổ quốc.

Tác giả: Lê Thị Thu Hiền – Bảo tàng Hùng Vương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *