BỘ TEM “TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG – DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI” TẠI BẢO TÀNG HÙNG VƯƠNG

Ngày 06 tháng 12 năm 2012 tại Paris, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ – Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và đây cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nghi lễ dân gian lâu đời, liên quan chặt chẽ đến việc thờ cúng tổ tiên và là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Tiêu biểu là lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10.3 âm lịch hàng năm, tại Đền Hùng, núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.  

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để di sản còn tồn tại mãi với những giá trị nguyên gốc của nó, đồng thời quảng bá những giá trị di sản quý giá đó với bạn bè thế giới, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều kế hoạch, biện pháp thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Một trong số những biện pháp đó là Bộ Thông tin – Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức công bố và phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào ngày 23/4/2015 tại Phú Thọ nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi, 2015. Đến ngày 4/6/2015 Bộ tem đặc biệt này đã được Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Phú Thọ trao tặng cho Bảo tàng Hùng Vương.

Bộ tem bao gồm 3 mẫu tem và 1 blốc giới thiệu khái quát một số giá trị nổi bật của Lễ hội Đền Hùng, do họa sỹ Võ Lương Nhi và họa sỹ Vũ Kim Liên của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế.

– 3 mẫu tem có dáng hình chữ nhật với kích thước 31 mm x 46 mm, các cạnh tem được đục răng nhằm giúp cho việc tách rời các tem được dễ dàng. Bố cục trên mỗi con tem gồm các chữ “Bưu chính”, “Việt Nam” và các thông tin về năm phát hành, họa sỹ thiết kế… như các con tem thư khác. Điểm nổi bật trong bộ tem này chính là dòng chữ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” và hình ảnh về các hoạt động tiêu biểu trong ngày Giỗ Tổ. Tem có mệnh giá 3000đ thể hiện hình ảnh cổng vào Đền Hùng cùng đoàn con Lạc cháu Hồng về dâng lễ. Tem mệnh giá 7000đ là hình ảnh đội tế thực hiện nghi thức tế lễ Vua Hùng. Tem có mệnh giá 8500đ là hình ảnh bánh chưng, bánh giày và cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị lễ vật dâng lên Vua Hùng.

– 01 blốc tem có kích thước 80 x 135 mm, với các các chữ “Bưu chính”, “Việt Nam”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” Ngoài ra còn có các thông tin về năm phát hành, họa sỹ thiết kế…. Điểm nổi bật trên blốc là hình ảnh cổng đền Thượng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và cổng Đền Hùng tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng đoàn người đại diện cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam dâng lễ lên Vua Hùng. Blốc có giá 14000đ.

Ảnh bộ tem bưu chính “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
– Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”

Ngoài mẫu tem và blốc còn có 01 con dấu. Con dấu được làm bằng nhựa, màu đen, có thân hình trụ, gồm 2 phần chính là cán dấu và mặt dấu. Mặt dấu hình tròn, nổi bật trên đó là hình ảnh cổng đền Hùng, phía trên là dòng chữ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, phía trên là dòng chữ “Phú Thọ, ngày phát hành đầu tiên 23/4/2015”. Đây là con dấu dùng để đóng dấu lên bì thư, bộ tem “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”

Con dấu bộ tem “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương –
Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”

Sau khi tiếp nhận bộ tem bưu chính “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Bảo tàng Hùng Vương đã thực hiện đầy đủ các thủ tục nhập hiện vật sưu tầm về kho bảo tàng theo quy định. Hiện nay, bộ tem cùng con dấu đang được bảo quản trong các ngăn tủ tại kho hiện vật chất liệu vải, giấy. Và từ đây bảo tàng Hùng Vương sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách sâu rộng đến đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế để mọi người hiểu hơn về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hiểu thêm truyền thống văn hoá của người Việt Nam, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên vùng quê hương đất Tổ.

Tác giả: Phan Huyền – Phòng Sưu tầm – Bảo quản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *