Nói đến thời kỳ Hùng Vương đã có rất nhiều bài viết của nhiều tác giả đã nghiên cứu và tìm hiểu, trong bài viết này xin đề cập đến một khía cạch nhỏ trong nền văn hóa đó- nghệ thuật trang trí trên gốm, đồng. Những nét vẽ sơ khai đó là tiền đề cơ bản hình thành nên nghệ thuật trang trí chạm khắc trên gốm, sành sứ, giấy, gỗ, sắt…các loại chất liệu khác sau này trong nền mỹ thuật Việt. Thời đại Hùng Vương như ta đã biết tương ứng với các nền văn hóa lớn: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, mỹ thuật thời Hùng vương hiện diện trong những bộ sưu tập hiện vật thời kỳ này: sưu tập đá, đồng, gốm với hàng ngàn các loại hình phong phú, đa dạng với các kỹ thuật tạo dáng, tạo hình đăng đối hay hoa văn chạm khắc cực kỳ tinh xảo đỉnh cao là mỹ thuật Đông Sơn.
Đồ gốm: văn hóa Phùng Nguyên theo các nhà nghiên cứu cách đây 4000 năm, hiện vật được phát hiện trong nền văn hóa này đa dạng, phong phú.Hoa văn trên hiện vật gốm Phùng nguyên cực kỳ tinh xảo và đăng đối. Những hoa văn trang trí trên đồ gốm phản ánh trình độ tư duy của con người thời kỳ này phát triển và phức tạp. Với các hoa văn đường thẳng, đường chấm tròn, vòn tròn đồng tâm hoặc hoa văn chữ S, làn sóng, văn thừng, văn chải, hình học (hình vuông, tam giác, chữ nhật, ô trám)…thường được trang trí trên thân, đáy, mép miệng đồ gốm. Các loại hoa văn còn lại được trang trí chủ yếu trên gốm mịn và gốm rất mịn trên những đồ vật là gốm có kích thước nhỏ. Một số loại hoa văn chỉ trên gốm Phùng Nguyên mới có đó là hoa văn khắc vạch trên nền văn thừng, văn chải hay văn in đập với những đường nét khá phóng khoáng. Hai là các loại họa tiết hoa văn khắc vạch, các loại chữ S mà ở bên trong đường khắc vạch được vạch kín bằng những đoạn vạch ngắn và nông. Ba là loại hoa văn khắc vạch kết hợp in chấm- in lăn, khắc vạch trỗ lỗ, hoa văn hình tam giác không khép kín (tam giác đơn, tam giác kép), nhiều mô típ hoa văn có kết cấu phức tạp đến mức không thể đặt tên cũng như không thể nào miêu tả cụ thể bằng lời. Đây là loại hoa văn có kết cấu phức tạp, phong phú và đẹp nhất trên gốm Phùng Nguyên.
Những họa tiết hoa văn trên ta có thể thấy có một loại hoa văn đó là hoa văn đệm, được vẽ vào khoảng tiếp giáp phía trên hoặc dưới của hoa văn chủ, nhằm cố gắng giảm bớt khoảng trống giữa các họa tiết chính. Lối trang trí họa tiết hoa văn đệm này thể hiện rất rõ trên cách trang trí trong trống đông Sơn cùng với các hoa văn hình học.
Với những họa tiết hoa văn tuyệt đẹp như vật ta có thể nhìn nhận chung về hoa văn trên gốm Phùng Nguyên như sau: Đặc trưng nổi bật của các loại hoa văn là những đường nét cong uyển chuyển nhịp nhàng, lúc khép kín, lúc bỏ hở lửng lơ, tạo cho hoa văn thêm sinh động không gò bó, thô cứng. Và việc sử dụng nhiều mô típ hoa văn đẹp như tam giác, chữ nhật, bầu dục, cánh chim để điền lấp bớt các khoảng trống giữa các họa tiết hoa văn cũng là một trong những đặc trung tiêu biểu trong trang trí gốm Phùng Nguyên. Một đặc trưng khác có thể thấy người Phùng Nguyên sử dụng họa tiết hoa văn đối xứng trở thành quy chuẩn trong trang trí gốm Phùng Nguyên. Đối xứng là nguyên tắc là cái đẹp trong trang trí hoa văn cái nọ tôn cái kia làm tăng thêm vẻ đẹp, trang trí đối xứng là sản phẩm tinh túy của những tài năng sáng tạo kỹ- mỹ thuật gốm tuyệt vời Phùng Nguyên.
Đồ đồng: Nền văn minh Đông Sơn như ta đã biết tại Phú Thọ nổi tiếng là di chỉ Làng Cả. Nếu như trong văn hóa Phùng Nguyên nghệ thuật trang trí tập trung chủ yếu trên gốm và đá thì sang đến nền văn hóa này nghệ thuật trang trí và tạo hình chuyển hướng sang chất liệu đồng. Những họa tiết trang trí trên gốm Phùng Nguyên của giai đoạn trước dịch chuyển về chất liệu, lặp lại và nâng cao trên đồ đồng trong văn hóa Đông Sơn đó là những họa tiết hình học cơ bản (chủ yếu trên trống đồng): hình rẻ quật được xen kẽ giữa các cánh sao như những tia sáng, tạo nên nét đệm chuyển tiếp làm nền cho hoa tiết chính. Họa tiết răng cưa là một cách thể hiện khác của họa tiết rẻ quạt, đó là sự tỏa ra của vầng hào quang mà chủ là mặt trời. Các vòng tròn nối nhau có điểm chấm ở giữa có thể hiểu là sóng nước, là hình trang trí điểm xuyết cho diềm trống. Họa tiết chữ S biểu thị cho chớp. Đó chính là tính ước lệ cho nghệ thuật trang trí trống đồng Đông Sơn. Trong nghệ thuật trang trí văn hóa Đông Sơn, nổi trội lên là những hình sinh hoạt của con người- lấy con người làm chủ đạo- hầu hết là những hoạt động tập thể. Đó là những họa tiết hình người khoác áo lông chim, đội mũ cắm lông chim, là những chiến binh cầm mộc, cầm rìu hay đang chèo thuyền trong lễ hội. Hoạt động ít người là hình đang giã gạo với đường nét đơn giản được chắt lọc từ hiện thực đời sống. Tính chủ đạo cho ta thấy con người hòa với thiên nhiên lao động sản xuất, đánh bắt cá, săn bắn thú rừng, nhảy múa và thổi kèn. Họa tiết hình “thuyền- ngôi nhà” trên trống là ngôi nhà của người Kinh- Mường- Thái phía bắc, hình thuyền trên trống đồng còn hóa thân vào mái ngôi nhà Rông của đồng bào các dân tộc tây Nguyên. Hình chim hạc trên trống đồng Đông Sơn được tạc bằng gỗ đặt ở đầu hồi nhà sàn người Thái, trên hoa văn thổ cẩm người Thái Mường phía Bắc…
Nếu như trước đây nhiều học giả còn băn khoăn về nguồn gốc của nền văn hóa Đông Sơn có người cho rằng xuất phát từ Phương Tây, Trung Quốc thì với những họa tiết hoa văn trang trí trên gốm Phùng nguyên và sự tiếp nối sau này trong trang trí trên đồ đồng Đông Sơn lại một lần nữa khẳng định tính bản địa của nền văn hóa Việt cổ này. Mỹ thuật thời kỳ Hùng vương là mỹ thuật mang tính bản địa rõ nét, nó ra đời và tồn tại song song với các nền văn minh cổ đại trên thế giới. Qua những hình ảnh giới thiệu trên ta có thể thấy ông cha ta sớm chú trọng đến văn hóa tinh thần trong hoàn cảnh khắc nghiệt buổi thời kỳ đầu của loài người, nền nghệ thuật ấy bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống lao động, yêu nghệ thuật, ý thức tự chủ hun đúc lên tâm hồn, bản lĩnh người Việt nam nói chung và người Phú Thọ nói riêng. Nghệ thuật trang trí này theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc thể hiện trên nghệ thuật điêu khắc gỗ đình làng các thế kỷ sau này hay nghệ thuật chạm khắc gỗ trong đục bong chạm lộng, sơn mài, gốm, sứ….và nền mỹ thuật hiện đại sau này còn lưu giữ mãi những nét vẽ xuất phát từ những nét vẽ sơ khai mang theo tâm hồn, tình cảm, bản sắc mà cha ông để lại.
Tác giả: Bích Viên – Phòng Trưng bày – Truyền thông