1. Trưng bày cố định trong nhà
Bảo tàng Hùng Vương là bảo tàng công lập nằm trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Bảo tàng Hùng Vương tiền thân là Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú được thành lập ngày 04 tháng 10 năm 1982. Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú được chia tách thành tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc, lúc này Bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng tỉnh Phú Thọ. Ngày 01/01/2008 Bảo tàng Hùng Vương được khởi công xây dựng mới và được khánh thành vào ngày 14/4/2010 nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần. Ngày 06/12/2010, UBND tỉnh ra Quyết định số 4053/QĐ – UBND đổi tên Bảo tàng tỉnh Phú Thọ thành Bảo tàng Hùng Vương. Bảo tàng Hùng Vương được thiết kế và xây dựng gồm có 3 tầng theo kiến trúc của nhà sàn miền núi Trung du Bắc Bộ. Tầng 2 và tầng 3 có diện tích 4.100 m2 là phần trưng bày cố định với gần 2.000 hiện vật gốc, được trưng bày thành 05 chủ đề chính chạy xuyên suốt tiến trình lịch sử tỉnh Phú Thọ từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh.
Chủ đề 1: Thiên nhiên và con người Phú Thọ
Chủ đề 2: Phú Thọ thời tiền sơ sử
Chủ đề 3: Phú Thọ thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ
Chủ đề 4: Phú Thọ trong cuộc kháng chiến đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Chủ đề 5: Phú Thọ xây dựng và bảo vệ tổ quốc từ năm 1975 đến nay.
Năm chủ đề trên nằm trong một tổng thể không thể tách rời nhằm thể hiện Bảo tàng như một trung tâm thông tin và tuyên truyền bằng hiện vật về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Phú Thọ từ thời kì Hùng Vương dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh.
Nội dung trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương được thể hiện ở ngay gian khánh tiết của Bảo tàng (gian trang trọng nhất) với nhóm tượng bằng đồng mô phỏng hình tượng cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, hình tượng này được lấy từ truyền thuyết cha rồng mẹ tiên, truyền thuyết về cội nguồn dân tộc ta. Chính từ truyền thuyết này mà trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam đều tự hào với nguồn gốc con rồng cháu tiên của mình và gọi nhau bằng 2 tiếng thiêng liêng đồng bào. Ở phía sau trên cao bức tượng là bức trạm khắc bằng đồng mô phỏng khái quát về đời sống văn hóa của con người thời kỳ văn hóa Hùng Vương, đặc biệt ở giữa điểm nhấn là lễ hội đánh trống đồng, bởi thời kỳ văn hóa Hùng Vương trống đồng không chỉ là nhạc khí vũ khí mà còn là linh khí của cả dân tộc.
Chủ đề 1: Thiên nhiên và con người Phú Thọ
Tại không gian trưng bày này, Bảo tàng Hùng Vương tái hiện địa hình của tỉnh Phú Thọ mang đặc điểm nổi bật là chia cắt tương đối mạnh vì nằm ở phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi chuyển tiếp giữa miền núi cao và miền núi thấp, gò đồi, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Với sự phân chia của địa hình đã tạo cho Phú Thọ nhiều cảnh quan đẹp giúp cho địa phương có thể phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch thu hút được đông đảo du khách thập phương tới thăm quan. Trong khu vực trưng bày này Bảo tàng trưng bày bản đồ điện về Hành chính và du lịch tỉnh Phú Thọ giúp du khách tới tham quan Bảo tàng có thể tìm hiểu về một số điểm du lịch trên địa bàn các huyện, thành, thị trong tỉnh.
Trong chủ đề này, Bảo tàng Hùng Vương trưng bày và giới thiệu về không gian văn hóa của 05 dân tộc tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ: Dân tộc kinh (Việt), Mường, Dao, Cao Lan, H’Mông. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán tín ngưỡng khác nhau, tạo cho Phú Thọ một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Các dân tộc tỉnh Phú Thọ sống đan xen và đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Chủ đề 2: Phú Thọ thời Tiền – Sơ sử
Trong không gian trưng bày của chủ đề 2 đã phác họa đời sống sinh hoạt kinh tế , xã hội của con người trong thời buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Sưu tập hiện vật công cụ cuội thuộc giai đoạn văn hóa Sơn Vi phát hiện tại di chỉ Vườn Sậu, Gò Sóc Lọi…đã chứng minh Phú Thọ là vùng đất cổ. Cách ngày nay vài chục vạn năm con người đã có mặt hầu khắp các đia bàn tỉnh Phú Thọ.
Trong thời kỳ dựng nước, các nền văn hóa Tiền Hùng Vương với các nền văn hóa nối tiếp nhau ra đời và phát triển liên tục kế thừa như: nền văn hóa Phùng Nguyê, Đồng Đậu, Gò Mun. Với các sưu tập hiện vật đồ đá, gốm, đồng, không chỉ phong phú về số lượng mà còn đa dạng về loại hình đã cho thấy sự xuất hiện vầ phát triển của kỹ thuật chế tác đá, gốm và luyện kim. Đặc biệt là sự phát triển đỉnh cao về kỹ thuật chế tác đồ đá, công năng sử dụng.
Trong các sưu tập hiện vật khảo cổ của bảo tàng quý hiếm và tiêu biểu nhất phải kể đến bộ sưu tập Nha Chương – bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020. Đây là các hiện vật được làm từ đá ngọc, nó được ví như chiếc quyền trượng dùng để điều động quân đội hay lệnh bài biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh, là báu vật của một bộ lạc tồn tại ở giai đoạn đầu của nền văn hóa Phùng Nguyên. Trong cả nước hiện nay, Nha Chương mới chỉ phát hiện được 08 chiếc ở tỉnh Phú Thọ tại 2 di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao và Xóm Rền (huyện Phù Ninh), trong đó Bảo tàng Hùng Vương hiện đang lưu giữ 04 chiếc. Sự có mặt của những chiếc Nha Chương ở vùng đất cội nguồn của dân tộc càng chứng minh cho chúng ta thấy từ buổi bình minh của đất nước xã hội người Việt cổ đã hình thành một số thủ lĩnh có quyền lực chi phối một cộng đồng người, nhen nhúm. Đây chính là những tiền đề vật chất, kỹ thuật để dẫn đến sự ra đời của nền văn hóa Đông Sơn – tương ứng với thời kỳ dựng nước Văn Lang của các vua Hùng.
Đặc biệt, tại không gian trưng bày văn hóa Phùng Nguyên, Bảo tàng Hùng Vương trưng bày 02 ngôi mộ cổ có niên đại cách ngày nay khoảng 3500 đến 4000 năm được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học xóm Rền – xã Gia Thanh – huyện Phù Ninh. Tổ hợp trưng bày hai ngôi mộ cổ này được Bảo tàng Hùng Vương được tái hiện đặt trong địa tầng tự nhiên hết sức sống động giống như hiện trường khai quật giúp người xem như được trở về với không gian văn hoá cách đây 4000 năm, tìm hiểu những nét đặc sắc trong đời sống vật chất và tinh thần cư dân văn hóa Phùng Nguyên thông qua những thước phim sống động và tận mắt khám phá bí ẩn phía sau 2 ngôi mộ cổ. Đây là không gian trưng bày khơi dậy tính tò mò muốn được khám phá nhất mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Bảo tàng Hùng Vương.
Một trong những nội dung trọng tâm của chủ đề 2 đó là phần trưng bày giới thiệu về nền văn hóa Đông Sơn, với các sưu tập hiện vật đồng phát hiện tại di chỉ Làng Cả, Gò De thuộc thành phố Việt Trì như: đồ dung sinh hoạt, công cụ sản xuất, vũ khí, trang sức. Đặc sắc nhất là sưu tập trống đồng, thạp đồng với các họa tiết hoa văn đặc sắc tái hiện về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân thời Hùng Vương rõ nét đã tạo cho khách tham quan những ấn tượng sâu sắc để tìm hiểu về thời đại Hùng Vương.
Mỗi nền văn hóa đều chứa đựng dấu tích về sự hình thành và phát triển của con người Việt Cổ, từ nền văn hóa có niên đại cách ngày nay 6 – 7 vạn năm đến nền văn hóa Đông Sơn được đánh giá là thời kỳ phát triển đỉnh cao của thời đại kim khí, đó là tiền đề là cơ sở cho sự ra đời của nhà nước Văn Lang.
Chủ đề 3: Phú Thọ thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ
Thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hàng nghìn năm với chính sách đồng hóa của kẻ thù phương Bắc. Các triều đại phong kiến phương Bắc lần lượt tiến hành xâm lược và tiến hành đồng hóa đất nước ta trên mọi lĩnh vực: tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán. Có thể nói đây là thời kỳ lịch sử vừa đau thương vừa lẫm liệt bởi dưới ách đô hộ của nhà Hán hết sức tàn bạo, nhân dân ta đã nhiều lần vùng dậy khởi nghĩa chống áp bức của ngoại tộc bảo vệ nền văn hóa truyền thống của cha ông, xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ. Bảo tàng Hùng Vương trưng bày các bộ sưu tập trống đồng Heger II (còn gọi là trống Mường) và hình ảnh về một số di tích thờ tự các tướng lĩnh trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, bộ sưu tập gốm thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Thông qua các hiện vật trưng bày, giúp du khách hiểu hơn về kinh tế chính trị văn hóa xã hội của các vương triều phong kiến Việt Nam. Khẳng định sự trường tồn sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Trong chủ đề 3, Bảo tàng Hùng Vương xây dựng không gian trưng bày về truyền thống hiếu học của tỉnh Phú Thọ. Mong muốn giáo dục tới các thế hệ niềm tự hào là “đất học, đất văn”, mỗi người con Đất tổ phải luôn nỗ lực cố gắng học tập và làm việc, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh. Để rồi đi về đâu ai cũng nhớ, cũng tự hào về một miền quê có truyền thống hiếu học như thế.
Chủ đề 4: Phú Thọ trong hai cuộc kháng chiến đấu tranh chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ
Tại không gian trưng bày của chủ đề 4: Bảo tàng Hùng Vương trưng bày những hiện vật, hình ảnh, mô hình gắn liền với các phong trào đấu tranh yêu nước từ cuối thế kỷ 19 đến gần cuối thế kỉ 20. Trong suốt những năm tháng kháng chiến với truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường, bất khuất, đông đảo nhân dân trên khắp các huyện thành thị của tỉnh Phú Thọ đã anh dũng chiến đấu, tích cực cùng quan quân triều đình hoặc tự mình đứng lên chống giặc bảo vệ non sông đất nước.
Những chính sách cai trị cũng như âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp đã thổi bùng lên một cao trào đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên cả nước. Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm của cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng Tây Bắc rộng lớn do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo dưới ngọn cờ Cần Vương….Song do nhiều nguyên nhân, hạn chế, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp lần lượt bị thất bại. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ, đưa lịch sử Phú Thọ sang một trang mới.
Trong phần trưng bày này, Bảo tàng Hùng Vương đã giới thiệu nhiều hiện vật phản ánh sự kiện trọng đại trong lịch sử Phú Thọ đó là việc Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử các đồng chí lãnh đạo về xây dựng các cơ sở Đảng tại tỉnh Phú Thọ từ cuối những năm 1939 đã dẫn đến sự ra đời của 04 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh như chi bộ Cát Trù – Thạch Đê, Phú Hộ, chi bộ Nhà máy Giấy, chi bộ Thái Ninh. Các cơ sở Đảng lần lượt được thành lập, đã dẫn đến sự kiện thành lập Ban Cán sự (tức Tỉnh ủy lâm thời) thành lập tháng 3 năm 1940 để lãnh đạo các chi bộ Đảng trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Bác Hồ. Và đặc biệt trong phần trưng bày này Bảo tàng Hùng Vương đã giới thiệu những hình ảnh và sưu tập hiện vật của Hồ Chủ tịch khi Người về sống và làm việc tại Cổ Tiết, Chu Hóa, Yên Kiện của tỉnh Phú Thọ trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Bên cạnh đó, Phú Thọ còn được lựa chọn là địa bàn của UBHC kháng chiến chiến khu 10 và đặt bộ chỉ huy quân sự tại huyện Hạ Hòa. Tại đã xây dựng các cơ quan khu bộ, tổ chức các cơ sở phục vụ kháng chiến: xưởng quân giới, nhà in, kho vũ khí, kho lương thực. Ngoài ra, nhiều đơn vị bộ đội cũng đã được chuyển về đóng tại đây: Trung đoàn 87, 112, 115, 171, biến nơi đây thành thủ đô vững chắc về mọi mặt của cuộc kháng chiến.
Trong suốt chín năm kháng chiến Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ đã kiên cường đấu tranh và liên tiếp giành những thắng lợi quân sự đối với thực dân Pháp, trong đó tiêu biểu là 3 chiến thắng lớn: Chiến thắng Sông Lô (1947), Tu Vũ (1951), Trạm Thản (1952) Trong 9 năm trường kỳ chống Pháp, Chiến thắng Sông Lô- Đoan Hùng ( Ngày 24/10/1947), Chiến thắng Tu Vũ- Thanh Thuỷ ( Tháng 12/1951), chiến thắng Chân Mộng- Trạm Thản ( Tháng 12/1952). Bảo tàng giới thiệu các sưu tập hiện vật gốc là vũ khí của bộ đội, du kích sử dụng trong các trận đánh và chiến lợi phẩm ta thu được của giặc Pháp và sưu tập vũ khí tự tạo của nhân dân như bàn chông, kìm…qua đó giúp người xem được hiểu thêm về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh của dân tộc ta trong kháng chiến
Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, tỉnh Phú Thọ cùng với nhân dân cả nước thực hiện các nhiệm vụ cao cả: Khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, chuẩn bị cơ sở vật chất xây dựng CNXH, kháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ và chi viện sức người sức của cho tiền tuyến miền Nam.
Năm 1956 cầu Việt Trì – cây cầu nối liền huyết mạch của khu vực Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội đã được xây dựng lại với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc. Ngày 28/11/1958 khu CN Việt Trì được xây dựng, đây là một trong hai Khu công nghiệp đầu tiên trên miền Bắc với sự ra đời của các nhà máy: nhà máy Điện, Đường, Hóa chất…
Trong giai đoạn này, Bác Hồ đã đến thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ tại một số nơi như: Khu công nghiệp, cầu Việt Trì, nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, HTX Đồng Tâm, HTX Nam Tiến, Khu di tích lịch sử Đền Hùng…Những lần được đón Bác và được nghe những lời căn dặn của Người là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với cán bộ, nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ trên địa phận tỉnh Phú Thọ, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh đã phối hợp với bộ đội địa phương chiến đấu và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay, diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ (giai đoạn 1965 – 1968 đã bắn rơi 86 máy bay; giai đoạn 1969 – 1975 quân và dân Vĩnh Phú đã bắn rơi 27 máy bay trong đó có 2 chiếc B52).
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, toàn tỉnh đã có 115.195 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, hàng nghìn lượt TNXP tham gia phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường; trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Phú Thọ có 15.827 liệt sỹ và 12.389 thương binh, bệnh binh đã hy sinh tuổi thanh xuân vì Tổ Quốc, hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm nhu yếu phẩm cần thiết dược vận chuyển vào chiến tuyến.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, quân và Nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn tự hào vì đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Với những đóng góp đó Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vinh dự được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Bảo tàng Hùng Vương đã lưu giữ các kỷ vật, hiện vật đó nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử đấu tranh,sự hy sinh xương máu của cha ông để bảo vệ đất nước.
Chủ đề 5: Phú Thọ xây dựng và bảo vệ tổ quốc từ năm 1975 đến nay
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã phát huy truyền thống đoàn kết, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, năng động, sáng tạo, vượt khó với quyết tâm cao để thực hiện hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra và tiếp tục giành được thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Tại không gian trưng bày của chủ đề 5 bảo tàng Hùng Vương trưng bày những hình ảnh, hiện vật về thành quả của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong những năm qua như: Các sản phẩm tiêu biểu của một số nhà máy, xí nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, những lễ hội tiêu biểu vùng đất tổ, những phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước giành tặng Phú Thọ. Đây là những nguồn tư liệu quý để các thế hệ trẻ đất Tổ nói riêng và cả nước nói chung tiếp bước cha ông, không ngừng học tập lao động để xây dựng quê hương ngày càng phát triển và giàu đẹp.
2. Trưng bày ngoài trời, không gian trải nghiệm
Trưng bày ngoài trời là một phần quan trọng trong hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng Hùng Vương, nhằm bổ sung nội dung và tăng cường bổ sung các thông tin về lịch sử cho hệ thống trưng bày chính. Khu vực trưng bày được bố trí hai bên tòa nhà gồm các hiện vật có kích thước và thể khối lớn như: 02 máy bay Mig 21, 01 xe tăng T54, 01 tàu chiến, 01 tổ hợp xác máy bay và bom tấn…Đây là những hiện vật gắn với các chiến công của những người con Phú Thọ tham gia và là những chứng tích về tội ác của Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ gây ra cho Nhân dân Phú Thọ trong hai cuộc kháng chiến. Tuy không gian trưng bày không lớn, nhưng các hiện vật được bố cục theo một logic chặt chẽ, phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng không chỉ hấp dẫn khách tham quan bởi sự đa dạng, phong phú của những sưu tập hiện vật đặc sắc mà còn tạo cảnh quan khuôn viên Bảo tàng rất hài hòa sinh động và bề thế.
Bên cạnh đó, khu vực sân của Bảo tàng Hùng Vương còn tổ chức không gian trải nghiệm các trò chơi dân gian: Ném cầu giỏ, ném còn, đi cà kheo, kéo co, bịt mắt đập niêu, nhảy sạp…vừa giúp khách tham quan có dịp tìm hiểu về các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc, tạo nên không khí sôi nổi, hấp dẫn và giảm căng thẳng sau những giờ làm việc và học tập.