Phú Thọ, miền đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi mà cách đây hàng nghìn năm đã ra đời Nhà nước đầu tiên của người Việt – Nhà nước Văn Lang, thời đại các vua Hùng. Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử đến nay vùng đất cội nguồn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân gian vùng đất Tổ. Một trong những di sản ấy là ” Hát Xoan Phú Thọ”.
Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca nghi lễ – phong tục gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và đời sống sinh hoạt của cư dân trồng lúa nước vùng trung du. Hát Xoan là loại hình nghệ thuật truyền thống địa phương với nhiều làn điệu khác nhau, được diễn xướng bởi các yếu tố nghệ thuật tổng hợp gồm: Hát, múa, nhạc và sân khấu, được gọi chung là diễn xướng Xoan. Nội dung hát Xoan có tính cầu chúc, khẩn nguyện cho dân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt; ngoài ra nội dung các làn điệu Xoan còn ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, tình yêu lao động, tình yêu nam nữ gắn với truyền thống văn hóa dân tộc. Các động tác múa Xoan đơn giản, dễ nhớ, dễ bắt chước nhưng khá độc đáo và có năng lực truyền cảm; thể hiện thái độ thành kính, tình cảm vui mừng của con người; mô tả lại các hình ảnh, hoạt động của người, vật…
Hát Xoan ra đời từ rất sớm, gắn với đời sống tín ngưỡng của người Việt, điểm độc đáo của hát Xoan chính là sức lan tỏa hát Xoan mở rộng liên kết tới các địa phương qua hình thái văn hóa có kết cấu địa phương vừa là tâm linh, vừa là thế tục.
Để góp phần từng bước đưa hát hát Xoan ngày càng được thấm sâu vào đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Phú Thọ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, Bảo tàng Hùng Vương tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc điền giã điều tra, khai thác thông tin, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật về hát Xoan Phú Thọ nhằm lưu giữ, bảo tồn, khai thác, phổ biến, quảng bá và phát triển hát Xoan Phú Thọ; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân trong và ngoài tỉnh; du khách trong nước và nước ngoài đối với di sản hát Xoan.
Hiện nay, Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ đang lưu giữ, bảo quản và phát huy tốt giá trị của gần 8000 hiện vật, ảnh tư liệu, file ghi âm, phim, ký sự, sách, báo, tài liệu về hát Xoan Phú Thọ, các bài bản hát Xoan bằng chữ nôm, chữ quốc ngữ của các phường Xoan gốc. Trong đó đặc biệt phải kể đến là bản hát Xoan cổ bằng chữ Hán Nôm, gồm 63 trang, của ông Nguyễn Văn Chế – trùm phường Xoan An Thái – xã Phượng Lâu – thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bản hát Xoan cổ này đã được nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương sưu tầm trong quá trình đi điền giã, điều tra, nghiên cứu hát Xoan từ những thập niên 70 và đến năm 2013 ông đã bàn giao cho Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ lưu giữ và bảo quản. Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật này là những căn cứ, minh chứng khẳng định sức sống trường tồn của hát Xoan trên vùng đất trung du. Dù mảnh đất này còn rất nhiều gian nan, vất vả; dù trong chiến tranh, loạn lạc nhưng hát Xoan vẫn được các thế hệ người dân vùng Xoan bảo tồn, lưu truyền và phát triển đến ngày nay.
Tư liệu điền giã điều tra về hát Xoan là những tư liệu quý, giúp du khách có thể tìm hiểu, nghiên cứu một cách toàn diện về đời sống kinh tế, xã hội vùng Xoan; nguồn gốc ra đời, các quy định, tục lệ, các điều cấm kỵ, các bài bản hát Xoan cổ, các điệu múa Xoan; trang phục biểu diễn Xoan; những quà tặng, phần thưởng mà các phường Xoan được nhận khi đi hát Xoan tại các cửa đình trong dịp đầu năm xuân mới; cũng như những thăng trầm của hát Xoan trong quá trình bảo tồn, lưu truyền và phát triển … Để có được những ghi chép, những đoạn ghi âm, ghi hình, những hình ảnh quý báu đó, các nhà nghiên cứu văn hóa, cán bộ Sở văn hóa, cán bộ bảo tàng đã đi đến từng vùng quê Xoan, gặp gỡ các cụ cao niên của làng, các thế hệ đào, kép, trùm các phường Xoan… để trao đổi, phỏng vấn ghi chép lại thông tin, tư liệu, góp phần bảo tồn, khôi phục, phục dựng và phát triển hát Xoan theo lối cổ xưa . Sau nhiều năm nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện, công lao của các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức văn hóa từ Trung ương đến địa phương đã được đền bù xứng đáng, di sản văn hóa hát Xoan đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (viết tắt UNESCO) công nhận là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp, tiếp theo được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Đến nay hát Xoan vẫn đang tiếp tục được bảo tồn, phát triển và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Với nhóm hiện vật là những đồ dùng, vật dụng, trang phục, nhạc cụ dùng trong đời sống sinh hoạt, trong việc thực hành diễn xướng và truyền dạy hát Xoan như: những chiếc ghế gỗ con, chiếc đèn dầu bình dị; bộ trống, phách; áo dài, khăn mỏ quạ, tay nải.. của các đào; áo the khăn xếp của kép Xoan, ,…kết hợp cùng với những đoạn phim tư liệu, hình ảnh về hát Xoan… du khách có thể tiếp cận một cách trực quan, khái quát toàn diện về di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của vùng đất Tổ.
Hiện nay bảo tàng Hùng Vương vẫn đang tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch để bảo tồn, truyền bá, phổ biến hát Xoan đến với công chúng như: Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm xây dựng các bộ sưu tập hiện vật về hát Xoan; phục dựng tục kết nước nghĩa với các cửa đình, xây dựng các chương trình trải nghiệm hát Xoan tại Bảo tàng để du khách được trực tiếp tiếp xúc, trao đổi và thực hành hát múa Xoan với các nghệ nhân hát Xoan.
Tác giả: Nguyễn Bích Thủy
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ và các cộng sự (2008). Hát Xoan Phú Thọ.
2. Ngô Minh Toán (2010). Một số ý kiến về việc phục hồi và phát triển “ Hát Xoan Phú Thọ”. Tham luân tại Hội thảo khoa học quốc tế “ Hát Xoan Phú Thọ”, Phú Thọ, 16/01, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.
3. Nguyễn Khắc Xương (2010). Bàn về văn hóa Vùng Xoan. Tham luân tại Hội thảo khoa học quốc tế “ Hát Xoan Phú Thọ”, Phú Thọ, 16/01, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.
4. Nguyễn Ngọc Ân (2010). Hát Xoan – Di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ lợi ích cộng đồng. Tham luân tại Hội thảo khoa học quốc tế “ Hát Xoan Phú Thọ”, Phú Thọ, 16/01, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.
5. Phạm Bá Khiêm (2010). Bảo tồn, gìn giữ di sản hát Xoan. Tham luân tại Hội thảo khoa học quốc tế “ Hát Xoan Phú Thọ”, Phú Thọ, 16/01, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.