Trưng bày mộ và di cốt người Việt cổ – văn hóa Phùng Nguyên tại Bảo tàng Hùng Vương

Văn hoá Phùng Nguyên là một trong những mắt xích quan trọng của giai đoạn Tiền – Sơ sử ở Việt Nam. Trong phần trưng bày về văn hoá Phùng Nguyên,  Bảo tàng Hùng Vương trưng bày hai ngôi mộ người Việt cổ, có niên đại cách ngày nay khoảng bốn nghìn năm. Đây là hai trong tám ngôi mộ thuộc giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên được phát hiện tại di tích khảo cổ Xóm Rền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, được khai quật vào tháng 11 năm 2002 do TS. Tang Chung (Trường ĐH Hồng Kông) phối hợp Bảo tàng tỉnh Phú Thọ tiến hành. Bên cạnh những hiện vật bằng đá, gốm đã tìm thấy bốn ngôi mộ, trong đó có hai ngôi mộ còn giữ được di cốt người. Bảo tàng Phú Thọ đã cùng giáo sư Nguyễn Lân Cường và cán bộ khai quật xử lý sơ bộ, khôi phục nguyên hiện trạng và đưa về bảo tàng nhằm bảo quản lâu dài và phục vụ trưng bày.

 Ngôi mộ thứ nhất có ký hiệu: 02XR2H2L2M2, mộ nằm trong lòng đất được đặt theo hướng Đông chếch Nam 1230 ở độ sâu 1m45.GS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng đây là một cá thể nữ khoảng 20 đến 22 tuổi, di cốt chỉ còn lại từ phần ngực trở lên, phần dưới đã tiêu. Xương cốt rất mủn nát. Người chết chôn theo tư thế nằm ngửa, đầu vẹo sang vai trái, cánh tay duỗi thẳng. Xương hàm dưới bên phải còn giữ được ba răng khá nguyên vẹn và 1 số răng khác dính trên hàm.  Các đường khớp của hộp sọ chưa gắn liền, bờ trên hốc mắt sắc cạnh, góc hàm dưới bên phải không vểnh ra ngoài. Xương cánh tay rất nhỏ. Chỏm xương cánh tay đã hóa xương hoàn toàn, răng có kích thước loại trung bình. Răng lớn nhất có 5 núm, răng lớn thứ hai có 4 núm.Trong mộ không phát hiện được đồ tùy táng nguyên vẹn mà chỉ có nhiều mảnh gốm: mảnh bát bồng, mảnh chân giò gốm…và một vài mảnh đá cuội nhỏ.

           Ngôi mộ thứ hai có ký hiệu 02XR2H2L2M4, mộ nằm trong lòng đất được chôn theo hướng Đông, chếch Nam 1260 , ở độ sâu từ 3m58 – 3m50. Theo giáo sư Nguyễn Lân Cường đây là một cá thể nam khoảng 35 đến 40 tuổi, cao khoảng 1,6m. Xương cốt bảo tồn tốt hơn mộ số 2, mặc dầu chất liệu xương cũng rất mủn nát. Bình diện của toàn bộ xương nằm hơi nghiêng về phía Bắc theo sườn của đồi. Xương cổ tay và bàn tay chỉ còn lại vài đốt. Người chết được chôn theo tư thế nằm ngửa. Hộp sọ bị bẹp theo khớp dọc, kể cả xương hàm dưới. Xương gò má bên trái gập sát vào hốc mắt trái. Hốc mắt thuộc loại trung bình, mũi thuộc loại rộng, mặt thuộc loại thấp và mặt vừa, xương hàm dưới thô, thân xương khá cao mặc dầu hẹp ngang. Điều đó chứng tỏ mặt hẹp. Trên 2 hàm còn dính lại 18 răng. Xương dưới sọ khá lớn đặc biệt là xương cánh tay, xương đùi và xương chày. Chỏm xương cánh tay, các đầu xương đùi, xương chày đã hóa xương hoàn toàn. Chậu hông tương đối hẹp  nhưng do độ nén của đất nên cánh xương chậu tõe ra, khiến ta dễ có cảm giác là chậu hông rộng. Gần giống với ngôi mộ số 2, đồ tùy táng ở đây hầu hết chỉ là những mảnh gốm, đá. Nằm cùng với bình diện ngôi mộ là một loạt mảnh gốm lót dưới xương sọ. Gần sát trên đỉnh đầu tìm thấy khá nhiều than.

Không gian trưng bày hai di cốt người Việt cổ tại Bảo tàng Hùng Vương

Bảo tàng Hùng Vương trưng bày hai di cốt người Việt cổ này trong một phòng riêng, với giải pháp mỹ thuật hiện đại hấp dẫn người xem. Ở đây có sự kết hợp hài hoà giữa hiện vật gốc cùng với hình ảnh, âm thanh và ánh sáng sống động. Bước vào phòng trưng bày, người xem nhìn thấy ngay bức tranh toàn cảnh về di tích khảo cổ Xóm Rền được phóng khổ lớn hết diện tường. Phía dưới là hầm mộ đặt hai di cốt trong địa tầng tự nhiên hết sức sống động, xung quanh di cốt có các mảnh gốm là đồ tuỳ táng giống như hiện trường hố khai quật. Điều lý thú ở đây là người xem không được nhìn toàn bộ hầm mộ mở ra mà phải quan sát hai ngôi mộ qua hệ thống ống nhòm đặt sẵn phía trước. Ánh sáng mờ tối cùng với âm thanh tạo nên một cảm giác huyền bí tác động mạnh đến giác quan và cảm xúc của người xem. Trên diện tường phía ngoài và trên hai hầm mộ có màn hình ti vi giới thiệu những thước phim tư liệu giới thiệu khu di tích khảo cổ Xóm Rền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cảnh khai quật mộ cổ, phim giới thiệu cảnh sinh hoạt lao động của người xưa, đặc biệt là cách thức mai táng và tập tục chia của cho người chết của người Việt cổ xưa.

Có thể nói phòng trưng bày mộ cổ là một điểm nhấn hết sức quan trọng trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương. Nó không chỉ thu hút khách tham quan bởi giải pháp trưng bày mới lạ, huyền bí mà còn giúp cho người xem tìm hiểu về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ thời kỳ sơ sử, từ sản xuất đồ dùng sinh hoạt đến môi trường sống, những tập quán sản xuất, phong tục tâm linh…Đây sẽ là nguồn tư liệu quý đối với những người muốn tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử của cư dân trên vùng đất cố đô Văn Lang xưa.

Tác giả: Lê Thị Thu Hiền – Phòng Trưng bày Truyền thông – Bảo tàng Hùng Vương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *