BẢO TÀNG HÙNG VƯƠNG VỚI CÁC HÌNH ẢNH, TƯ LIỆU, HIỆN VẬT VỀ BÁC

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, vị lãnh tụ kính yêu của đồng bào dân tộc Việt Nam, là người được thời báo Time bình chọn là 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX trên toàn thế giới. Để rồi sau hơn 100 năm ngày sinh của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có tầm ảnh hưởng không nhỏ không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn trên các quốc gia và các châu lục.Với Người trong suốt quãng đời hoạt động, Người đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Tình cảm đó, sự quan tâm đó không chỉ thể hiện ở việc Người đã nhiều lần về thăm Phú Thọ tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã…mà còn thể hiện qua những bài báo, những bức thư khen hay những chiếc huy hiệu…

Sự quan tâm của Người dành cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình là đã 9 lần Người về thăm, nơi Người đặt chân đến đều trở thành những địa chỉ đỏ cách mạng, những minh chứng lịch sử trực quan sinh động được nhân dân Phú Thọ qua các thế hệ trân trọng, nâng niu, gìn giữ.  Nhận thức được những giá trị, tình cảm to lớn mà Người dành cho nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, trong những năm qua, trên cơ sở nghiên cứu các sự kiện lịch sử, Bảo tàng Hùng Vương đã phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm lưu trữ quốc gia và các địa điểm di tích gốc (nơi Người đã từng đến) để sưu tầm tài liệu, hiện vật, hình ảnh về Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Phú Thọ.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 17 di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phân bố ở 09/13 huyện, thị, thành. Trong đó, có 02 di tích đã được xếp hạng Quốc gia: Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 02 xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông và xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì. 06 di tích xếp hạng cấp tỉnh, gồm các địa phương: Thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng; công ty chè Phú Bền thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba; xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy; xã Yên Kiện huyện Đoan Hùng, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tại Quân khu bộ Quân khu II, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì. 09 di tích chưa được xếp hạng gồm các địa điểm: khu núi Đá Sụ, xã Cự Thắng huyện Thanh Sơn; xóm Cúng, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa; xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng; xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba; xã Sông Lô, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì; thị xã Phú Thọ; phường Bến Gót, thành phố Việt Trì; công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

 Các di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Thọ trải qua tác động của chiến tranh, thiên nhiên… nên tư liệu, hiện vật gốc hầu như không còn. Qua kiểm kê, rà soát kho chất liệu vải, giấy, Bảo tàng Hùng Vương hiện đang lưu giữ 08 hiện vật, khoảng hơn 40 tài liệu, gần 80 hình ảnh có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Tư liệu, hiện vật gốc về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch   Hồ Chí Minh được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, các Trung tâm lưu trữ quốc gia… Vì vậy, Bảo tàng Hùng Vương hiện đang lưu giữ các tài liệu là bản phô tô (tài liệu khoa học phụ), các hiện vật đồng thời để phục vụ công tác trưng bày.

Một số tài liệu tại kho hiện vật của Bảo tàng Hùng Vương

Bộ ấm tách thử chè bằng sứ là hiện vật gốc đang lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương do đồng chí Vũ Đức Việt (tổ trưởng tổ thử nếm) và đồng chí Trần Văn Hợp (cán bộ phòng kỹ thuật) đã dùng để thử chè (pha chè) cho Bác xem.

Sáng ngày 20 tháng 7 năm 1958 Sau khi dự Hội nghị phát động thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh, Bác đi thăm Nhà máy chè Phú Thọ ở xã Đào Giã (nay là thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba). Đây là nhà máy được xây dựng đầu tiên ở tỉnh ta do Liên Xô giúp đỡ. Sau hơn một năm cắt băng khánh thành và đi vào hoạt động (12/5/1957), nhà máy đã đạt được nhiều thành tích cao trong sản xuất. Bác lần lượt đi thăm nhà nhận chè, thử nếm (tức phòng KCS) và kho thành phẩm. Khi đến bộ phận sàng chè, thấy chị em công nhân bê từng mẻ chè đổ vào chỗ chứa trên cao, công việc khó nhọc, tốn nhiều sức lực mà hiệu suất lao động lại thấp, Bác quay lại căn dặn các đồng chí trong Ban Giám đốc nhà máy cần chú ý đến cải tiến kỹ thuật máy móc của nước bạn cho hợp với khổ người Việt Nam.

Sau đó, Người ăn cơm và nghỉ trưa. Vào lúc 13 giờ 30 phút chiều cùng ngày Bác đã nói chuyện với cán bộ, anh chị em công nhân của nhà máy tại phòng “héo chè”. Người rất chú ý đến sự tiến bộ của chị em phụ nữ, nhắc nhở chị em phải cố gắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những khuyết điểm chính mà nhà máy cần phải khắc phục là vấn đề đoàn kết và kỷ luật lao động. Sau buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Giám đốc nhà máy đi thăm khu nhà ở tập thể của công nhân. Người vào thăm một số gia đình, xem xét điều kiện ăn, ở sinh hoạt của công nhân.

Với số lượng hiện vật, tài liệu, hình ảnh ít ỏi về Bác, ngoài việc trưng bày cố định Bảo tàng Hùng Vương đã nhiều lần tổ chức trưng bày theo chuyên đề “Bác Hồ với Phú Thọ, Phú Thọ làm theo lời Bác” trong các dịp sinh nhật Bác 19 tháng 5 và kỷ niệm những ngày lễ lớn. Mỗi một hiện vật, một tư liệu, một hình ảnh là một câu chuyện xúc động về Người. Các đợt trưng bày đã thu hút số lượng lớn khách đến tham quan.

Tuy số hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhiều nhưng đây cũng là những cố gắng của đội ngũ cán bộ Bảo tàng Hùng Vương trong việc sưu tầm, bảo quản hiện vật để giúp nhân dân hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm lòng của Người đối với đất nước, với nhân dân nói chung và với đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ nói riêng.

Tác giả: Phan Thị Huyền – Phòng Sưu tầm Bảo quản – Bảo tàng Hùng Vương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *