Hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11/2024 Bảo tàng Hùng Vương phối hợp với Bảo tàng Đắc Lắc tổ chức trưng bày chuyên đề “Cồng chiêng Tây Nguyên – Kết nối miền di sản” tại Bảo tàng Hùng Vương.
Thông qua gần 200 hình ảnh, hiện vật được chia thành 2 phần: “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên xưa” và “Âm nhạc cồng chiêng trong đời sống của người Tây Nguyên hiện nay”. Toàn bộ hiện vật và tư liệu tái hiện về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong các nghi lễ, lễ hội hiện nay của đồng bào như: Lễ cúng cơm mới, lễ cúng sức khỏe, lễ cưới, lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu, đám tang, lễ bỏ mả, …
Ngoài ra, phần trưng bày còn giới thiệu về sưu tập trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt, tín ngưỡng của dân tộc Ê đê, Mnông và Giarai ở vùng đất Tây Nguyên. Cùng với hoạt động trưng bày còn có hoạt động giáo dục về di sản văn hoá và trình chiếu các phim tư liệu về một số di sản văn hoá đặc sắc của Tây Nguyên và tỉnh Đắc Lắc như: Nghi lễ cầu mùa và thổi tai (đặt tên) cho trẻ của người Êđê; Nghi lễ Bỏ mả của người Giarai; Chuỗi phim Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên của các dân tộc Êđê, Mnông, Giarai với các nghi thức đón khách của người Mnông; Cúng sức khỏe của người Êđê Kpă, …
Trưng bày chuyên đề “Cồng chiêng Tây Nguyên – Kết nối vùng di sản” diễn ra từ ngày 04/10/2024 đến hết ngày 30/11/2024 nhằm giới thiệu đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước khi đến với tỉnh Phú Thọ có cơ hội được tìm hiểu về cồng chiêng của Tây Nguyên, về giá trị văn hóa và những nét độc đáo mà Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” (2005), “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2008), là niềm tự hào của cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của âm nhạc cồng chiêng trong đời sống cộng đồng, đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của cồng chiêng Tây Nguyên. Đồng thời, tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác trưng bày giữa Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng Hùng Vương. Tạo sự kết nối các vùng miền di sản văn hóa, làm phong phú đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh khai mạc trưng bày:
Tác giả: Lê Thị Thu Hiền – Bảo tàng Hùng Vương