KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “PHÚ THỌ VÀ NGHỆ AN – KẾT NỐI MIỀN DI SẢN” TẠI BẢO TÀNG NGHỆ AN KỶ NIỆM 10 NĂM DÂN CA VÍ GIẶM ĐƯỢC UNESCO GHI DANH LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI.

      Sáng ngày 22 tháng 11 năm 2024, Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bảo tàng Nghệ An tổ chức khai mạc trưng bày “Phú Thọ và Nghệ An – kết nối miền di sản”. Chương trình là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNesco vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tham dự Lễ Khai mạc có bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An; Ông Bùi Công Vinh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An; Ông Nguyễn Đăng Chương, Giám đốc Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Ông Ngô Đức Quý, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương; Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật HuếBà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam; Ông Nguyễn Trọng Cường – Giám đốc Bảo tàng Nghệ An; Nhà điêu khắc Bùi Văn Tự cùng đại diện các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An, cán bộ Bảo tàng Nghệ An, cán bộ Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ cùng các cơ quan thông tấn báo chí thường trú tại Nghệ An và cơ quan Báo, Đài của tỉnh Nghệ An đến dự và đưa tin.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Nghệ An phát biểu tại Lễ Khai mạc trưng bày

Phát biểu tại buổi khai mạc, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết: “Phú Thọ, nơi cội nguồn dân tộc với Đền Hùng thiêng liêng, là mảnh đất gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Được coi là nơi phát tích của các vị vua Hùng, Phú Thọ mang trong mình niềm tự hào là cái nôi của văn hóa và truyền thống, là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Còn Nghệ An, vùng đất quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, là nơi ẩn chứa trong lòng bao nhiêu di sản lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn kiên cường của con người xứ Nghệ. Mặc dù có bối cảnh địa lý, văn hóa và hình thức thể hiện khác nhau, nhưng hai vùng đất này đều gắn bó mật thiết với truyền thuyết về Vua Hùng trong lịch sử và văn hóa dân gian Việt Nam. Nguồn chảy văn hóa dân gian, đậm đà tinh thần cộng đồng và bản sắc dân tộc, đã tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa Phú Thọ và Nghệ An”.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề

Chương trình trưng bày gồm có hai chủ đề: Chủ đề thứ nhất, do Bảo tàng Nghệ An trưng bày và giới thiệu về di sản văn hoá Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh gồm các nội dung: Tinh hoa Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, công tác phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, thực hành di sản văn hoá và trình chiếu phim tư liệu, trình diễn Dân ca Ví Giặm do các nghệ sĩ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An trình diễn. Chủ đề thứ 2, Bảo tàng Hùng Vương Phú Thọ giới thiệu tới đông đảo Nhân dân Nghệ An về di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ”, với trên 100 hình ảnh, hiện vật, tư liệu đặc sắc về các hiện vật khảo cổ học thời đại Hùng Vương phát hiện tại Phú Thọ như: Sưu tập Nha chương, vòng tay, hạt chuỗi, tượng người bó gối và trống đồng Hy Cương; các hình ảnh về di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với các di tích và lễ hội tiêu biểu thờ cúng Vua Hùng và các nhân vật thời Hùng Vương ở Phú Thọ: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Trò Trám….; các di tích gắn với sự ra đời của Hát Xoan Phú Thọ, nghệ thuật trình diễn và các phong tục độc đáo, riêng có được quy định trong Hát Xoan. Đặc biệt là sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hai di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Bên cạnh nội dung trưng bày còn có hoạt động chiếu phim tư liệu và thực hành di sản Hát Xoan. Trong nội dung này, Bảo tàng Hùng Vương trình diễn ba chặng Hát Xoan với 05 tiết mục do cán bộ Bảo tàng Hùng Vương trực tiếp thể hiện.

Chương trình trưng bày là dịp tuyên truyền, quảng bá giúp cộng đồng nhận diện rõ ràng, sâu sắc về di sản văn hóa – sản phẩm du lịch đặc trưng của hai tỉnh Nghệ An và Phú Thọ. Góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp tâm hồn cho mỗi con người Việt Nam về tình yêu quê hương đất nước, trân trọng lịch sử của dân tộc và những giá trị văn hóa, đặc sắc trên quê hương đất Tổ. Đặc biệt, qua cuộc trưng bày tạo cơ hội để Bảo tàng Hùng Vương và Bảo tàng Nghệ An được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó, đồng thời tạo cơ hội để kết nối các vùng di sản văn hóa trong cả nước. Cũng nằm trong khuôn khổ của sự kiện, có chương trình trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, áo dài và di sản không gian nghệ thuật sen và thư pháp.
     Trưng bày được diễn ra từ ngày 22 tháng 11 năm 2024 đến hết tháng 01 năm 2025. Trưng bày chuyên đề đã được đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh Nghệ An và cơ quan báo, đài của tỉnh Nghệ An đưa tin. Quý khách có nhu cầu tìm hiểu về nội dung trưng bày của hai di sản trên xin mời đến với phòng trưng bày chuyên đề, tại Tầng 1 của Bảo tàng Nghệ An (Số 39, đường Đào Tấn, phường Của Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Một số hình ảnh Lễ Khai mạc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Nghệ An

Đồng chí Ngô Đức Quý – Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Nghệ An
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Nghệ An và các Đại biểu nghe thuyết minh và tham quan trưng bày về di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ
Cán bộ Bảo tàng Hùng Vương biểu diễn hát xoan phục vụ khai mạc trưng bày tại bảo tàng Nghệ An

Bài và ảnh: Thu Hiền – Bảo tàng Hùng Vương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *