Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65 về việc bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, sự kiện này đã đánh dấu ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử trong đời sống cộng đồng. Từ đó đến nay, sự nghiệp bảo tồn bảo tàng của tỉnh Phú Thọ cũng đã trải qua các thời kỳ với nhiều dấu son, nhiều sự kiện đáng ghi nhớ.
Từ năm 1945 – 1975, là thời kỳ trước và sau khi sát nhập với tỉnh Vĩnh Phúc, lúc này Bảo tàng gọi là phòng Bảo tồn bảo tàng, công việc chủ yếu là sưu tầm hiện vật, giúp ngành Văn hoá kiểm kê, đánh giá thực trạng di tích (1962 – 1964), đặc biệt là thu về một ít di sản văn hoá sau thời kỳ cải cách ruộng đất. Trong thời kỳ này, Phú Thọ đã có những phát hiện quan trọng đóng góp với dân tộc, làm nền tảng cho việc nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương dựng nước, thời kỳ lịch sử Hai Bà Trưng, văn hoá Sơn Vi. Đó là năm 1959 – phát hiện di chỉ Phùng Nguyên, quá trình ấy Bảo tàng Phú Thọ đã để lại tiếng thơm của tỉnh đối với cả nước và quốc tế. Người có công đầu phải kể đến ông Nguyễn Lộc suốt mấy chục năm sau cho đến lúc qua đời năm 1992, ông đã có nhiều đóng góp với văn hoá Phú Thọ những phát hiện có giá trị, đặc biệt là đối với khu di tích lịch sử Đền Hùng. Năm 1968, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã khai quật, điều tra, khảo sát di chỉ khảo cổ Sơn Vi và cũng đã đưa Văn hoá Sơn Vi vào phần tiền sử một mắt xích trọng yếu thời kỳ đá cũ Việt Nam và Đông Nam Á, việc phát hiện và sưu tầm khai quật các di tích Sơn Vi đã gây tiếng vang trong giới sử học nước ta. Người có công đầu trong việc phát hiện là ông Lê Nhiễu, nguyên chủ nhiệm Bảo tàng Vĩnh Phú đã nghỉ hưu năm 1982, ông Nguyễn Lộc (Phó Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng trước lúc về hưu) là những người hết sức say mê, nhiệt tình, cho tới nay các nhà khoa học đầu ngành của giới sử học, khảo cổ học Việt Nam vẫn nhắc tới hai ông với tấm lòng yêu quý, trân trọng.
Bảo tàng Phú Thọ có duyên may thời kỳ những năm 60, ông Đặng Văn Đăng (tức nhà thơ Bút Tre) – Trưởng ty Văn hoá, một lãnh đạo am tường công tác văn hoá đã động viên cổ vũ các nhà nghiên cứu và tổ chức Hội nghị khoa học về thời kỳ Hùng Vương. Chính cũng vì điều đó mà thời kỳ Hùng Vương có sự đóng góp của ông đã được đưa vào chính sử nước nhà. Như vậy, có thể thấy thời kỳ này có những đồng chí lãnh đạo, những cán bộ có những thành tựu quan trọng gắn liền với Bảo tàng, có Bảo tàng mà có sử, có Đền Hùng một khu di tích lịch sử lớn nhất của dân tộc như hiện nay. Điều đó làm tôi nhớ đến những con người gắn liền với thời kỳ đầu của công tác Bảo tàng như ông Đặng Văn Đăng, ông Nguyễn Khắc Xương, ông Lê Nhiễu, ông Lê Tượng và còn nhiều vị khác có công lao đóng góp cho Bảo tàng Phú Thọ mà riêng tôi không có điều kiện nhớ và kể hết.
Thời kỳ những năm 60 của thế kỷ 20 là thời kỳ có nhiều kỷ niệm của văn hoá và Bảo tàng tỉnh Phú Thọ, điều đó ngày nay chúng ta chỉ còn thấy qua di vật ở Bảo tàng trong Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng, vì phần lớn chứ không nói là tất cả thành tựu có được hiện trưng bày (và trong kho) ở Đền Hùng đều được khai quật, sưu tầm thời kỳ ấy. Giai đoạn này, sự nghiệp bảo tồn của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa với Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung. Thời kỳ này có một số hoạt động trưng bày nổi bật như: Trưng bày phục vụ lịch sử Đảng bộ trong kháng chiến chống Pháp, phục vụ đại hội Đảng lần 3. Ngoài ra, còn tổ chức trưng bày lịch sử Phú Thọ từ thời Phùng Nguyên đến kháng chiến chống Pháp thắng lợi và quốc khánh 2/9/1960, tại khu triển lãm chợ Mè thị xã Phú Thọ. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa, công tác bảo tàng của tỉnh cũng bị gián đoạn, công tác tổ chức chỉ có 4 người tham gia, hoạt động của Bảo tàng chỉ là tổ chức triển lãm lưu động, tóm tắt lịch sử và triển lãm những hiện vật trong kháng chiến sưu tầm được như máy bay, tàu chiến…
Năm 1968 khi tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ được sát nhập thì hiện vật của hai kho bảo tàng hai tỉnh được nhập lại đưa về bảo quản tại đền Hùng. Công tác kho cũng được củng cố và hoàn thành thêm một bước, các hiện vật được phân loại và đánh số, bảo quản theo chất liệu, đăng ký vào sổ kiểm kê bước đầu. Từ hình thức Bảo tàng lưu động ( Bảo tàng gánh của xã Hương Sơn huyện Bình Xuyên cũ phát triển đến Bảo tàng xã, Bảo tàng huyện; Nhà truyền thống xã Nguyệt Đức, Văn Tiến ( Yên Lạc), Đồng Thịnh (Yên Lập), Vũ Di ( Vĩnh Tường), nhà truyền thống huyện Sông Thao… đã tạo thành một mạng lưới của Bảo tàng và sưu tầm hiện vật. Cũng trong thời gian này việc kết hợp nghiên cứu và khai quật các di tích khảo cổ giai đoạn Hùng Vương được xúc tiến và đưa về kho bảo quản hàng nghìn hiện vật. Nhiều hiện vật có giá trị đặc biệt trong công tác nghiên cứu, trưng bày.
Thời kỳ 1976-1996, có thuận lợi cơ bản là Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc Ty văn hóa Vĩnh Phú: Ban quản lý di tích Đền Hùng; Phòng bảo tồn bảo tàng; Nhà bảo tàng tỉnh. Bảo tàng có con dấu riêng, nhưng vẫn dừng lại là một đơn vị hoạt động độc lập về chuyên ngành. Thời kỳ này được củng cố về mặt đội ngũ cán bộ, có lúc cả khu di tích Đền Hùng, Phòng bảo tồn bảo tàng, nhà Bảo tàng tỉnh lên đến hơn 20 người. Năm 1982, Phòng bảo tồn bảo tàng sáp nhập với nhà Bảo tàng thành Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú. Đây là dấu mốc quan trọng mở ra chặng đường mới trong công tác bảo tàng. Bảo tàng tỉnh được thành lập với chức năng: Lưu giữ di sản văn hoá, nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống. Ngay sau khi thành lập, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức các hoạt động trưng bày, năm 1982 tại thị xã Vĩnh Yên, năm 1983 tại thành phố Việt Trì với chuyên đề “một số hình ảnh hoạt động của Đảng bộ Vĩnh Phú” phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ Vĩnh Phú lần V. Thông qua những cuộc trưng bày đã giúp cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh hiểu thêm về hoạt động của Bảo tàng và cũng là những lần tập dượt để đến năm 1985 Bảo tàng thực hiện thành công nội dung trưng bày Bảo tàng với diện tích 900m2 tại Trung tâm triển lãm Việt Trì, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ VI và đại hội Đảng toàn quốc thu hút hàng vạn người đến tham quan. Hoạt động Bảo tàng thời kỳ này, tiếp tục sưu tầm hiện vật, bảo tồn các di sản văn hoá, trong đó phải kể đến việc nghiên cứu giữ gìn các di tích: Đình Hùng Lô, đình Lâu Thượng, đình Đào Xá, chùa Xuân Lũng, chùa Hương Nộn, chùa Hiền Quan… Các di sản tập trung bảo vệ giữ gìn lên đến 30 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh.
Về khảo cổ học đã phát hiện và nghiên cứu đưa về kho Bảo tàng hàng trăm hiện vật như di chỉ Gót Rẽ, Gò De, Đồi Giàm, Đoan Thượng. Đặc biệt là di tích Làng Cả với hàng ngàn mét vuông được khai quật đã đem đến giới khoa học trong nước một niềm phấn khởi, vì trên mảnh đất văn hoá xưa của các Vua Hùng thực sự là trung văn hoá văn minh. Với di tích Làng Cả và di tích Đông Sơn trên đất Phú Thọ được phát hiện thì những giá trị văn hoá dân tộc của thời kỳ các Vua Hùng như được thắp lên ngọn lửa của ánh sáng trí tuệ và tâm hồn dân tộc. Thời kỳ này cũng để lại những ấn tượng về phát hiện nhiều trống đồng với gần 30 chiếc trống, trong số đó có 2 chiếc gây sự chú ý của giới khoa học trong và ngoài nước là chiếc trống đồng Thượng Nông (phát hiện năm 1984) và trống đồng Hy Cương (phát hiện năm 1990).
Chúng ta nhớ lại những năm 1990-1995, khi các di tích kiến trúc tôn giáo còn là một trong những loại hình di tích ít được quan tâm, thì Bảo tàng Phú Thọ đã vận động nhân dân bảo vệ di sản đó. Cho đến nay, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân đều hiểu các di sản quý báu còn giữ trong lòng đất cần được bảo vệ giữ gìn và phát huy. Điều đó nói lên rằng công tác bảo tồn bảo tàng khó khăn đến nhường nào. Không phải trong mỗi một con người, mỗi một làng quê đều hiểu các giá trị chứa đựng trong các di tích ấy. Có những lúc chúng ta đau xót trước mất mát của những di sản đó. Đặc biệt là các di tích khảo cổ học, các di tích đền, đình, chùa. Nhiều làng xã khi các cụ kể về quê hương mình vẫn ngậm ngùi trước sự huỷ hoại của thiên nhiên cũng như sự vô thức của con người với đình làng mình, đền làng mình…
Gần 100 di tích đăng ký cấp tỉnh, trên 40 di tích cấp Quốc gia và kết quả của quá trình nhận thức của nhân dân ta và sự nỗ lực của những người làm công tác bảo tồn bảo tàng trong những năm qua.
Từ năm 1997 tới nay, mảnh đất thiêng của các Vua Hùng đã trao cho ngành bảo tồn bảo tàng một nhiệm vụ mới trước lịch sử. Đó là nhiệm vụ bảo vệ di sản văn hoá dân tộc, xây dựng Bảo tàng thành một trung tâm giáo dục truyền thống về cội nguồn, về lịch sử, xứng đáng là quê hương đất Tổ. Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú chia tách thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Bảo tàng Vĩnh Phú một lần nữa được đổi tên thành Bảo tàng Phú Thọ. Lúc này Bảo tàng Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như hiện vật trong kho đều phải chia làm hai, cán bộ chuyên trách lại càng thiếu. Đứng trên thực trạng đó, ban lãnh đạo cùng với cán bộ Bảo tàng khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà tỉnh đã giao phó. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Bảo tàng đã từng bước cải tạo xây dựng, phát triển theo hướng tiếp thu, kế thừa có chọn lọc vừa cải tạo, vừa xây dựng đáp ứng nhu cầu phục vụ trước mắt và có kế hoạch cho sự phát triển lâu dài. Ngay từ khi tái lập tỉnh được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Sở Văn hoá TT-TT, Bảo tàng tỉnh bắt tay vào công việc tổng kiểm kê di sản văn hoá toàn tỉnh, xây dựng đề án bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá (giai đoạn 1998 – 2010); lập dự án bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể (giai đoạn 1999 -2010). Đây là cơ sở cho việc xây dựng đề án Bảo tàng mới trong tương lai.
Ngày 25 tháng 12 năm 2007, Dự án công trình Bảo tàng Hùng Vương được phê duyệt theo quyết định số 2656/QĐ- UBND ngày 17/10/2007 của UBND tỉnh Phú Thọ. Ngày 01 tháng 01 năm 2008 nhà Bảo tàng Hùng Vương được chính thức khởi công xây dựng với quy mô tầm cỡ, tương xứng với vị trí của thành phố, một trung tâm kinh tế – văn hóa – du lịch. Việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương là một trong những giải pháp thực hiện Nghị quyết TW5 khoá VIII là: “Xây dựng và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, là thực hiện chủ trương của Đảng: “Bảo tồn lâu dài các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể truyền thống để giáo dục nhân dân về lòng tự hào dân tộc, về truyền thống lịch sử, văn hoá từ đó có thể sáng tạo ra những giá trị nhân văn mới, thể hiện tầm cao của thời đại và chiều sâu lịch sử. Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn đó, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ chủ trương đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương là một trong những bảo tàng khang trang hiện đại của Khu vực các tỉnh phía Bắc, là nơi lưu giữ và nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân. Là trường học cho các thế hệ trẻ về truyền thống dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc.
Sau 2 năm xây dựng, chuẩn bị nội dung và tổ chức trưng bày, ngày 14/04/2010 ( ngày 01/03/2010 âm lịch) Bảo tàng Hùng Vương được cắt băng khánh thành. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Phú Thọ nằm trong chương trình chào mừng Lễ hội Đền Hùng Canh Dần 2010 và chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích đất 15.732 m2. Trong đó, nhà trưng bày được thiết kế gồm 3 tầng, với nhiều hạng mục đồng bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công năng sử dụng gồm: nhà Bảo tàng Hùng Vương; nội thất; mỹ thuật trưng bày; hệ thống thiết bị an ninh và hệ thống phòng cháy chữa cháy; hệ thống thiết bị tin học trưng bày; các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà; trạm biến áp; máy phát điện dự phòng; hệ thống điện âm thanh. Diện tích sử dụng đất của nhà Bảo tàng là 3.912m2, tổng diện tích sàn là 9.360,5m2. Diện tích sử dụng là 5.625m2 (trong đó diện tích sử dụng tầng trệt là 1.524,5m2, diện tích sử dụng tầng một là 1.711,7m2., diện tích sử dụng tầng hai là 2.389,2m2).
Cũng trong năm 2010, Bảo tàng tỉnh Phú Thọ đổi tên thành Bảo tàng Hùng Vương, mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục truyền thống sâu sắc. Công tác Bảo tàng trong thời gian gần đây đã được phân tách thành từng bộ phận chuyên môn riêng biệt: Trưng bày tuyên truyền, Nghiên cứu sưu tầm, Kiểm kê bảo quản. Đội ngũ làm công tác chuyên môn có 27 cán bộ, đều có trình độ đại học và trên đại học. Hiện nay, Bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ hơn 11.000 hiện vật gốc và sưu tập hiện vật gốc. Phần trưng bày thường trực của Bảo tàng được chia thành 05 chủ đề chính, với trên 1500 hiện vật, giới thiệu tiến trình lịch sử của vùng trung du Đất Tổ từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh: Chủ đề 1 “Thiên nhiên, con người Phú Thọ”; Chủ đề 2 “Phú Thọ thời kỳ tiền, sơ sử”;Chủ đề 3 “Phú Thọ thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ”;Chủ đề 4 “Phú Thọ thời kỳ từ khi thực dân Pháp xâm lược đến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1883 – 1975); Chủ đề 5 “Phú Thọ thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN (1975 đến nay)”. Khu vực ngoài trời Bảo tàng trưng bày các hiện vật có kích thước thể khối lớn như máy bay Mig 21, xe tăng T54, tàu chiến của Pháp. Đây là những chững tích về hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc vĩ đại của dân tộc.
Bên cạnh không gian trưng bày khoa học hiện đại, với những hiện vật phong phú đa dạng, Bảo tàng hướng tới trưng bày những sưu tập quý hiếm, đây là một trong những bước đổi mới quan trọng và đã rất thu hút, hấp dẫn khách tham quan. Ngoài phần trưng bày thường trực, hàng năm Bảo tàng tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của tỉnh. Mỗi năm Bảo tàng đón hàng nghìn lượt khách tham quan. Đặc biệt, vinh dự đón nhiều đoàn lãnh đạo cao cấp nước ta và quốc tế: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ ngành Trung Ương, lãnh đạo tổ chức UNESSCO và nhiều đoàn quốc tế,v.v… Đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực, nhắc nhở tập thể Bảo tàng Hùng Vương ngày càng nỗ lực, cố gắng hơn nữa phấn đấu phát triển, vươn tới những tầm cao mới. Công tác nghiên cứu sưu tầm trong giai đoạn mới này được chú trọng quan tâm, Bảo tàng đã sưu tầm được một khối lượng hiện vật tài liệu khá lớn, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày, giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học. Hiện nay, Bảo tàng cũng đã xây dựng được hệ thống sổ kiểm kê theo mẫu, kiểm kê chi tiết 5000 hiện vật. Công tác kiểm kê bảo quản của Bảo tàng trong thời gian qua không chỉ phục vụ đắc lực cho hoạt động trưng bày mà còn là cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu khoa học.
Biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong những năm tháng qua, nhưng càng khó khăn bao nhiêu những cán bộ viên chức Bảo tàng Hùng Vương càng vươn lên để đóng góp cho quê hương vùng đất Tổ, kiên trì sưu tầm, kiên trì phấn đấu vượt qua bao nhiêu khó khăn, bây giờ nhìn lại chúng ta đều tự hào trong những năm tháng qua Bảo tàng đã đoàn kết để làm nên những thành tích lớn: Bảo vệ hàng trăm di sản văn hoá dân tộc. Những người làm công tác Bảo tàng hôm nay tiếp bước thế hệ cha anh sẽ vươn lên khắc phục khó khăn đưa Bảo tàng Hùng Vương tiến lên trong vận hội mới của ngành Văn hoá tỉnh và đất nước.
Trong thời gian tới Bảo tàng đã đưa ra những định hướng mang tính chiến lược nhằm khai thác thế mạnh của vùng đất Tổ trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đó là: Ưu tiên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và sưu tầm, đặc biệt chú trọng sưu tầm là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đất Tổ, tiêu biểu là di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; xây dựng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong đó chú trọng công tác nghiên cứu ứng dụng đề tài vào thực tế để phát huy giá trị các hiện vật và hoạt động di sản của Bảo tàng; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, biên soạn, xuất bản các tài liệu nghiệp vụ, các ấn phẩm, các hình thức thông tin tuyên truyền khác phù hợp nội dung nghiên cứu, giáo dục; liên kết với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước phối hợp tổ chức trao đổi và hợp tác về nghiên cứu khoa học, các hoạt động trưng bày lưu động, tổ chức các hoạt động giao lưu, trình diễn, quảng bá nhằm tuyên truyền quàng bá di sản vùng Đất Tổ đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế; thường xuyên đổi mới, nâng cấp chỉnh lý hệ thống trưng bày, kết hợp giữa trưng bày tĩnh và trưng bày động nhằm thu hút khách đến với Bảo tàng; ứng dụng các thành tựu khoa học và phương tiện kỹ thuật mới trong công tác bảo quản, phục chế hiện vật; chú trọng các biện pháp bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu. Ngoài nhiệm vụ về công tác chuyên môn Bảo tàng tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ để khai thác tốt cơ sở vật chất và chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng như: Dịch vụ ăn uống, giải trí; phát triển sản phẩm lưu niệm; cung cấp thông tin tư liệu; tư vấn nghiệp vụ; giám định thẩm định cổ vật; làm bản sao tài liệu, phục chế hiện hiện vật, v.v…
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, với 3 lần đổi tên, từ những buổi đầu khó khăn, gian khó đến ngày hôm nay, Bảo tàng Hùng Vương đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế trong sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa lịch sử vùng Đất Tổ; dần trở thành điểm đến sinh hoạt văn hóa tinh thần tin cậy của nhân dân nơi đây và du khách mọi miền.
TS. Nguyễn Anh Tuấn